Trong lịch sử thiết kế, sự đổi mới liên tục luôn tồn tại song song với những nền tảng thẩm mỹ bất biến. Trải qua nhiều mốc thời gian, mỗi phong cách riêng biệt đôi khi chỉ tìm thấy nhau qua nhiều mối giao thoa bất ngờ. Từ đó, “biên giới” của từng phong cách dần được xóa nhòa. Và khi không còn rào cản rạch ròi nữa, nghiễm nhiên những chuẩn mực định hình khác bắt đầu được nhen nhóm, hình thành như một thước đo giá trị để con người tiếp tục theo đuổi chân trời mới trong thế giới sáng tạo vô biên.
Giá trị mới lên ngôi
Bất cứ ở thời đại nào con người vẫn luôn có những thứ bận tâm sâu sắc. Ngày nay, môi trường hay sức khỏe con người là một trong những tâm điểm của sự chú ý trải rộng trên nhiều lĩnh vực, lẽ dĩ nhiên, thiết kế không phải ngoại lệ.
Mỗi thiết kế được đánh giá thành công hiện nay là vì sức khỏe con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, bởi lẽ sự sáng tạo bao giờ cũng đi kèm với tính nhân văn và lòng trắc ẩn. Tính nhân văn ở đây là cách mà mọi thành tố trong không gian được quy chiếu dựa trên con người và lòng trắc ẩn, mang đến sự thấu hiểu của người thiết kế với mọi khả năng khác nhau sẽ xuất hiện trong quá trình sử dụng. không gian đem lại tính ổn định – điều dường như đang dần trở thành lý tưởng mới cho các nhà sáng tạo.
Thể chất con người không chỉ cần được phục hồi bởi quá trình chăm sóc, trị liệu từ bên ngoài mà còn phải được nuôi dưỡng từ không gian. Và công nghệ nên là lĩnh vực được nhắc đến khi nói về mối tương quan giữa không gian về thể chất. không thể phủ nhận quá trình phát triển nhanh chóng của công nghệ tồn tại nhungwax mặt trái gây hại đến sức khỏe con người, nhưng cùng với tác nhân tiêu cực ấy là những nỗ lực cải tiến nhằm trả mọi thứ về sự cân bằng. Tuck – một ứng dụng trực tuyến do “chuyên gia giấc ngủ” Bill Fish đồng sáng lập đã hỗ trợ điều chỉnh lại ánh sáng trong không gian nghỉ ngơi thông qua cảm biến chuyển động, tránh việc nhiễu loạn không đáng có khi thư giãn.
Ngoài ra ứng dụng này còn đóng vai trò như một chiếc đồng hồ báo thức ” mặt trời mọc “, đua con người ra khỏi trạng thái buồn ngủ trong trạng thái thoải mái đúng với cơ chế sinh học bằng cách tạo ra ánh sáng nhân tạo phủ khắp phòng – hình thức mô phỏng theo cơ chế của ánh nắng mặt trời. Đay là cách đánh thức con người khỏi giấc ngủ không tạo ra việc thức giấc bất ngờ, điều về lâu dài sẽ tổn hại đến sức khỏe và thể chất. Ngoài ánh sáng ra, nhiệt độ, âm thanh cũng ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài của thể chất. Kéo theo đó là những thiết kế mang tính bảo toàn nhiệt độ, cách âm, cách nhiệt cũng được chú trọng như phần không thể thiếu trong các tiêu chí.
Vật liệu trong không gian cũng được lựa chọn hoàn toàn có chủ đích, bóng kính, nhám, mờ… thay vì chỉ mang tính thẩm mỹ qua mắt nhìn như trước đây thì ở hiện tại chúng còn được xét duyệt dụa trên quá trình sản xuất. Càng gây ít tác động tiêu cực đến môi trường, ít hóa chất, tối ưu tính tự nhiên và đề cao tinh thần thủ công lại càng được ưa chuộng. Đặc biệt là các loại vật liệu mang tính địa phương với khả năng phục hồi tốt càng được đánh giá cao về mặt thiết kế, bởi những gì thuộc về bản địa sẽ luôn gắn liền với sức khỏe con người lưu trú tại khu vực đó.
Bản sắc cá nhân – dấu hiệu hạnh phúc
Nếu như sức khỏe thể chất là thước đo chung cho hầu hết các thiết kế thì tinh thần lại là giá trị riêng tạo nên sự khác biệt, thể hiện qua bản sắc cá nhân. Sự xuất hiện của yếu tố hoài niệm, sở thích riêng, hay đơn giản là cảm xúc tích cực cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Chính yếu tố này cũng là điều các nhà sáng tạo trên toàn thế giới ngày càng quan tâm hơn thay vì chỉ xem xét sản phẩm thiết kế của họ và mức độ hài lòng của khách hàng. Tạo nên những không gian kích thích tối đa ngũ quan theo hướng tích cực và cải thiện tinh thần con người đang trở thành một bài toán tuy khó nhưng cần của NTK.
Ngày càng có nhiều sự xuất hiện của các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng thần kinh, phản ứng cảm xúc, tâm lý học môi trường, điển hình là sự tương tác của con người với môi trường xung quanh. Tất cả nhằm mục đích hiểu được não bộ con người phẩn ứng thế nào với thẩm mỹ, nghệ thuật và thiết kế. Điều này chứng minh rằng, sức khỏe tinh thần con người có liên quan mật thiết với không gian sống.
Nếu có dịp đọc qua các cuốn sách ảnh Veranda: A Passion for Living do Carolyn Englefield biên soạn, có thể thấy mỗi công trình ghi dấu trong đó, không phải hầu hết mà là tất cả đều mang cá tính riêng của gia chủ thể hiện qua đồ vật, màu sắc, vật liệu. NTK, thương buôn đồ cổ Axel Vervoordt lẽ dĩ nhiên sẽ chất đầy ngôi nhà với những món đồ mà ông đích thân đem về được dù chúng có nứt mẻ, bụi bặm. Jean-Lou Daraux – một chuyên gia trang trí người Pháp lại có niềm tin mãnh liệt vào Douceur de vivre – một cuộc sống ngọt ngào – và kết quả là một ngôi nhà mang nhiều văn hóa từ Italy, Trung Hoa, Pháp được hình thành. Thậm chí có những không gian còn được phục hồi, trùng tu lại từ công trình mang tính lịch sử nhằm vay mượn nguồn ký ức đẹp đã từng tồn tại nơi đó với mục đích chăm lo sức khỏe tinh thần của con người đương thời.
Thực chất việc chăm lo cho tinh thần từ lâu đã được quan tâm chú trọng nhưng khi đặt chúng bên khái niệm thẩm mỹ thiên hướng thể chất, chúng ta mới thấy rõ hoàn cảnh tương quan và mối liên kết giữa các vấn đề. Phải chăng tính tương đối của đẹp – xấu từ lâu vẫn chưa thể định rõ ràng là do sự ràng buộc của hai chuẩn mục này? Và liệu rằng con người sẽ khai phá được tường tận từng ngóc ngách của thẩm mỹ thể chất – tinh thần ra sao trong tương lai, hãy dành câu trả lời ấy cho tương lai đầy hứa hẹn.